BÍ MẬT
Mỗi con người, mỗi cuốn sách luôn hàm chứa trong nó chiều bí mật của riêng mình. Những trang sách được phơi bày trước tất cả độc giả, lại có những trang sách được đóng kín và dán chặt. Mặt sáng, mặt tối, lúc đan xen và hòa quyện, lúc lại rạch ròi phân tách. Có những trang sách muốn cho tất cả cùng biết đến, cùng chiếm ngưỡng những đường nét, nhưng ngôn từ, có những trang lại có nhiều vết ố không tài nào tẩy đi, chỉ có thể lặng lẽ mà giấu kín.
1. Gia đình
Tại sao lại là gia đình?
Gia đình, với nhiều người dường như là thứ khiến họ tự hào. Với nhiều người, lại là thứ muốn giấu đi. Với mình, đã là gia đình thì có như nào vẫn luôn là gia đình. Gia đình không tồn tại các khái niệm khác. Có giàu hay nghèo, có xấu hay tốt, đều vẫn là gia đình. Bản thân mỗi người phải có trách nhiệm vun vén, chăm lo cho gia đình, có nghĩa vụ, và cũng là quyền tự hào về gia đình của mình. Vì ít nhất, họ cho mình sinh mạng này để sống trên đời.
Vậy tại sao gia đình phải là bí mật?
Chắc hẳn rằng, không ai muốn bị lôi tên cha mẹ ra để chế giễu, không ai muốn bị lôi gia đình ra để miệt thị và nhục mạ, không ai muốn vì những sai lầm của bản thân mà liên lụy đến gia đình.
Do đó, gia đình vẫn nên là bí mật nên giấu kín, nếu không tối cần thiết cũng không cần thiết phải tiết lộ điều gì về gia đình. Họ tên cha mẹ, công việc, nơi ăn chốn ở, anh em trong nhà, số điện thoại liên lạc, email,....v.v tất cả thông tin cá nhân và thông tin liên lạc đều là thứ không cần thiết phải nói ra với bất kì ai, kể cả người yêu của bạn. Với mình, thứ mình có thể chia sẻ về gia đình đó là những kỉ niệm, những dòng cảm xúc, của mình với gia đình. Nó quan trọng và thiết thực hơn khi ai đó muốn tìm hiểu mình thay vì những thông tin về họ.
2. Xung đột
Con người có xu hướng kể lể về những xung đột của mình với các mối quan hệ xung quanh cho một bên thứ 3 nghe nhằm giải tỏa cảm xúc. Điều đó khiến người ta cảm thấy thoải mái hơn, hoặc ít nhất là họ sẽ nghĩ như vậy. Tuy nhiên, bạn có nghĩ có ai đó sẵn lòng lắng nghe những xung đột của bạn, điều mà họ không hề gặp phải? bạn có nghĩ họ sẽ nhất mực giữ bí mật và không kể cho một bên khác nghe, hay lời nói của bạn sẽ được tam sao thất bản và thay đổi hoàn toàn khi đi hết một vòng trước khi trở lại tai của chính người mà bạn xung đột. Khi đó, xung đột có thể được đẩy lên một tầm cao mới với tính chất ban đầu của nó vốn có.
Những xung đột thường nảy sinh với các mối quan hệ như như với gia đình, họ hàng, người yêu, bạn bè, đồng nghiệp. Việc kể về những xung đột cho bên thứ ba chỉ khiến họ cảm tưởng tiêu cực về bản thân bạn cũng như người mà bạn nhắc tới, từ đó có những quan điểm và nhận định, lời khuyên sai lệch, thiếu chính xác. Nó còn cho người khác thấy bạn thiếu khả năng xử lý vấn đề, luôn chìm đắm trong những cuộc xung đột với cái tôi cao vời vợi.
3. Thành tựu
Bản năng con người hàm chứa sự khoe khoang, thể hiện những gì bản thân sở hữu. Nó càng nhằm khẳng định địa vị, vị thế, khả năng, sức mạnh của bản thân trước người khác. Hay nói cách khác, bản thân bạn đang cho mọi người thấy "tôi là ai" hoặc hơi tiêu cực hơn là "mày biết tao là ai không?"
Thực tế, bản thân chỉ nên thể hiện điều cần thể hiện với đúng người, đúng nơi, và đúng lúc và đúng cách cần thể hiện. Nếu không đạt đủ 4 điều kiện này, việc thể hiện của bản thân sẽ dễ biến thành khoe khoang.
Thể hiện, phơi bày thành tựu lúc không cần thiết chỉ khiến người dưới đố kị, người trên khinh thường. Mặt khác, thành tựu cũng chính như một cái gông cùm ràng buộc bản thân phải cư xử theo đúng chuẩn mực mà các thành tựu này định hình.
"Cái quý giá nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Hãy sống sao cho khỏi ân hận, xót xa vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí"
- Thép đã tôi thế đấy! | N.Ostrovsky
Điều mình muốn nói ở đây không phải để khiến mọi người phê phán, săm soi hay chê trách những người thể hiện bản thân. Đó là một nhu cầu cố hữu không thể chối bỏ và nó không hề xấu. Nhưng để bản thân tinh tế hơn, và biết bảo vệ bản thân hơn trước những mối nguy hiểm tiềm tàng không đáng có, hẳn mỗi người nên tránh đi những thứ không mang nhiều ý nghĩa, không thực sự cần thiết.
Một vài ví dụ như: không chia sẻ thành tựu cá nhân lên mạng xã hội, không chia sẻ khi giao du với bạn bè mới quen biết, không chia sẻ với người có địa vị cao hơn mình nếu họ không yêu cầu, càng không chia sẻ với người có địa vị thấp hơn mình nếu không cần thiết.
Mức độ hạn chế có thể tùy thuộc vào cá nhân mỗi người, càng ở địa vị cao, càng phải hạn chế.
3. Cá nhân
Có lẽ, cả thành tựu và gia đình đều có thể gộp chung vào mục cá nhân này. Nhưng mình muốn nhấn mạnh hơn chữ cá nhân riêng biệt, đó là tính cách, nhân cách, phẩm cách, vân vân mây mây về những giá trị cốt lõi về một con người của chính bản thân.
Hay nói cách khác, tôi mong mọi người nhìn nhận khác đi về việc bí mật hóa những giá trị cốt lõi của bản thân mình. Tại sao vậy? chẳng phải chúng ta vẫn luôn được khuyến khích thể hiện bản thân hay sao? chẳng phải chúng ta vẫn đang chạy theo thành tích với những giá trị hào nhoáng, với những con người toàn tài, giỏi giang hay sao?
Nó không sai, xin khẳng định là nó không sai. Không phải ai cũng đủ can đảm và nghị lực để có thể tạo nên năng lực, giá trị và thể hiện chúng ra bên ngoài. Áp lực đối với những người thể hiện bản thân là rất lớn. Đó là một thành công tuyệt vời.
Và có lẽ nó sẽ tuyệt hơn nếu bạn biết giấu kín chúng đi.
Khí chất của một người bộc lộ một cách tự nhiên qua thần sắc, phong thái, tác phong, cách mà họ hành động, và kể cả khi không hành động. Lời nói không chứng minh được đẳng cấp và giá trị của một người mà chính bởi hành động của họ.
Dường như, những người mạnh mẽ sẽ thoải mái bộc lộ bản thân để giành được sự chú ý của người khác, của đám đông. Số lượng và cơ hội rộng lớn vể khả năng tiếp cận là những gì mà họ nhắm đến. Nhưng mặt trái của nó là thu về cả thượng vàng hạ cám, cũng không biết đâu mà lần.
Con người cảm thấy sợ hãi những thứ họ không thể biết, không thể nắm bắt, luôn khao khát những thứ không thể thuộc về họ. Chứng minh bản thân quá nhiều trước người khác vô tình làm giảm sức hút của bản thân. Khiến bản thân không còn sự quyến rũ và nó vốn có.
Bên cạnh đó, tiết lộ quá nhiều về bản thân sẽ cũng là điểm hở tiềm tàng để người khác có thể khai khác để hạ bệ bạn. Điều này có lẽ sẽ phù hợp hơn với những người đã có một địa vị và năng lực tương đối hơn là những người đang thuộc vào nhóm "xông pha" và "kiến tạo".
Những điều như quá khứ của bản thân, những kế hoạch dự định trong tương lai, những thói quen và sở thích thường nhật, những mối quan hệ cốt lõi, những tính hướng và quan điểm của bản thân về thế giới chung quanh,.....v.v sự hạn chế hay tăng cường bộc lộ bản thân lại tùy thuộc và hoàn cảnh, mục đích của mỗi người, nhưng dù gì, cũng đừng phô trương quá, sẽ làm hại bản thân. Phô trương không chỉ là phô trương thành tích, mà cả những góc khuất, những tiêu cực, những điểm tối trong tâm hồn và tinh thần. Người thương ta, bảo bọc lấy điểm yếu của ta thì ít, người rắp tâm đâm chém điểm yếu ấy thì nhiều.
Kết
Tựu chung, cố gắng đừng nhìn nhận bản thân như cái tâm của vụ trụ, hay mặt trời chói chang. Nhưng phải nhận thức rõ bản thân là ai, giá trị nằm chỗ nào, không phô trương, không hạ thấp, thể hiện lúc cần thể hiện, ém mình lúc không cần thiết.
Nhận xét
Đăng nhận xét