MỐI QUAN HỆ ĐỘC HẠI | LỢI ÍCH VÀ SỰ PHÁ HỦY NHẬN THỨC TIỀM ẨN
1. Mối quan hệ độc hại là gì?
Từ lúc còn chưa sinh ra, con người đã bắt đầu việc kết nối của mình với các mối quan hệ khác, đơn cử như với người mẹ. Trong quá trình lớn lên, chúng ta tiếp tục việc kết nối của mình với xã hội ngày càng nhiều hơn, và mạnh mẽ hơn. Trong quá trình này, con người tiếp nhận và trao đi những tư tưởng mang tính cá nhân, và xã hội.Tuy nhiên, trong các mối quan hệ mà chúng ta kết nối, bao hàm cả các mối quan hệ mang tính chất độc hại lẫn lành mạnh (trung tính hoặc tích cực). Các mối quan hệ này bằng sức mạnh của mình truyền đi những tư tưởng và nhận thức tiêu cực, tác động đến bản thân ta, đồng hóa nhận thức của chúng ta, khiến chúng ta dần xa rời các phẩm chất, giá trị ban đầu, làm thay đổi các phẩm chất, giá trị theo chiều hướng xấu đi, khiến chúng ta tạo ra các suy nghĩ và hành động mang tính tiêu cực, gây nguy hại cả cho bản thân và những mối quan hệ lành mạnh mà chúng ta sở hữu.
Chúng ta sẽ luôn phải đấu tranh với chính những tư tưởng mới nhưng độc hại này. Và chúng ta sẽ luôn phải tự đặt câu hỏi cho những suy nghĩ và hành vi, hành động của bản thân là nó đúng hay sai. Nhận thức bắt đầu những chuỗi ngày đấu tranh với cảm xúc. Chúng ta cảm nhận được rằng nó không tốt cho chính mình, nó làm mình không thoải mái. nhưng rồi chúng ta nghĩ có lẽ điều đó sẽ tốt cho mối quan hệ, sức mạnh của mối quan hệ cuốn chúng ta vào sự đồng hóa tiêu cực của nó.
Có thể định nghĩa như sau:
Mối quan hệ độc hại là mối quan hệ mà ở đó, chủ thể tham gia dần đánh mất các năng lực hành vi tích cực của mình. Mối quan hệ độc hại diễn ra thường với cơ chế cá nhân - cá nhân hơn là cá nhân - tập thể. Sức mạnh từ chủ thể đối lập và vai trò của mối quan hệ đối quyết định khả năng, mức độ ảnh hưởng của sự độc hại tới cá nhân. Cá nhân bị kiềm chế trong mối quan hệ độc hại mất một phần hoặc toàn phần khả năng phán đoán chính xác, bị các hội chứng về cảm xúc, nặng hơn có thể dẫn đến các trường hợp bệnh về tâm thần, hoặc nặn hơn nữa là các hành vi tự tổn hại cơ thể như tự tử.
2. Tại sao lại có mối quan hệ độc hại?
Giống như một mã độc được quyền truy cập vào máy tính của bạn, nó âm thầm làm chậm các chương trình, tác vụ của máy tính. Nó hủy hoại, nó đánh cắp những thông tin dữ liệu từ các bộ lưu trữ. Nó làm phân mảnh hệ thống chương trình. Và có thể nặng nề hơn thế, bạn từ bỏ luôn chiếc máy tính của mình vì một mã độc mà bạn đã vô tình dính phải khi cấp quyền truy cập cho một file game siêu hot trên mạng mà bạn đã bất chấp tắt đi hệ thống tường lửa và diệt virus của mình.Mối quan hệ độc hại cũng vậy. Bằng sức mạnh đến từ: sự lãng mạn, uy tín, những điều tốt đẹp trong quá khứ, những sự tiện lợi, cảm giác trải nghiệm,....v.v Nó dần dần phá hủy các tư tưởng của chúng ta từ ngày này qua ngày khác. Bằng nhu cầu mong muốn thấu hiểu hơn, đồng cảm hơn đến những mối quan hệ lãng mạn và giá trị này, chúng ta tắt đi khả năng phòng vệ cho tư tưởng và nhận thức của bản thân. Chúng ta cho phép nó xâm nhập vào tâm trí của mình, chiếm lấy tâm trí của mình một cách mạnh mẽ chỉ vì chúng ta muốn sở hữu mối quan hệ này. Chúng ta khao khát việc được là một phần của họ, khao khát việc hòa nhập cùng họ, và chúng ta mắc bẫy đồng hóa.
Những ai có thể bị vướng phải các mối quan hệ độc hại này?
Thật không may khi phải nói rằng, bất kì ai trong chúng ta đều có thể bị chìm nghỉm trong các mối quan hệ độc hại. Và thật không may hơn khi phải nói rằng, những người thành công trong cuộc sống, những người có tinh thần tiếp thu và học hỏi, nhưng người có khả năng đồng cảm và thấu hiểu sâu sắc lại là những người dễ bị tấn công nhất bởi các mối quan hệ độc hại. Càng đạt được sự thành công trong cuộc sống, cá nhân càng dễ bị vướng vào các mối quan hệ như vậy vì những sự chủ quan không lường trước từ các mối quan hệ thân cận thiếu phòng bị về mặt tư tưởng.
Xu hướng về nhận thức của chúng ta thường bị tập trung nhiều hơn và những vấn đề, những sự lo lắng dần xuất hiện trong mối quan hệ. Nhu cầu chứng minh sự đúng đắn của nhận thức và suy nghĩ của bản thân dẫn đến các cuộc tranh luận không hồi kết. Càng mạnh mẽ và ham tranh luận, chúng ta càng dễ bị cuốn vào những suy nghĩ sai lệch của đối phương. Và dần dà, chúng ta chấp nhận những suy nghĩ sai lệch đó như một thỏa ước để duy trì sự tốt đẹp của mối quan hệ.
3. Mối quan hệ độc hại ảnh hưởng tới chúng ta như thế nào?
Sức nặng từ những tư tưởng và nhận thức tiêu cực về cuộc sống kéo những tư tưởng và nhận thức tích cực xuống rất nhanh chóng. Chỉ một vài suy nghĩ không tốt có thể hủy hoại một ngày nắng đẹp, đầy vui tươi với những hoạt động thú vị.
Những suy nghĩ sai lệch "ăn dầm nằm dề" trong chính nhận thức của chúng ta, nó bắt đầu xảy ra xung đột với nhận thức nội tại, xung đột với các dữ liệu cũ mà bản thân từng tiếp nhận và chấp nhận, xung đột với cả thực tại chân lý. Nó rõ ràng không phù hợp với chúng ta, không đúng đắn với chúng ta. Vì vậy nó hủy hoại dần dần sức khỏe tinh thần, hủy hoại luôn cả sức khỏe thể chất của chúng ta. Nó là những con virus nhỏ bé nhưng đầy uy lực. Sự chủ quan chính là thứ khiến virus xâm chiếm và giết chết con người. Với sức khỏe tinh thần và thể chất suy giảm nghiêm trọng, chúng ta dần mất khả năng đề kháng trước các tư tưởng và nhận thức độc hại tiếp theo, hay các biến cố nhỏ nhặt trong cuộc sống mà trong bối cảnh bình thường chúng không có khả năng tác động đến bản thân.
Sự ảnh hưởng từ mối quan hệ độc hại tới cuộc sống của chúng ta phụ thuộc vào mức độ chiếm hữu tâm trí của chúng ta với các nhận thức sai lệch ấy. Mức độ chiếm hữu tâm trí càng cao, cá nhân càng mất năng lượng, năng lực tham gia các hoạt động xã hội - công việc - tình cảm - đời sống cá nhân bình thường. Cá nhân chìm đắm trong sự vật lộn với việc tìm cách giải quyết, cân bằng tính chất mối quan hệ, cân bằng thế chủ động của bản thân trong mối quan hệ.
4. Làm sao để thay đổi tính chất của mối quan hệ
Cá nhân đối lập, kẻ sở hữu sự tiêu cực, kẻ đang nắm giữ "kèo trên" trong mối quan hệ chưa hẳn là người xấu. Họ có thể chỉ đang phải vật lộn với những vấn đề không lối thoát của chính mình. Họ chưa đủ năng lực để tự giải quyết các vấn đề, khiến nó dai dẳng và trì trệ, ngày càng mở rộng sức nặng. Và xui xẻo thay, bạn đang ở trong mối quan hệ gắn kết mạnh mẽ với họ. Cả hai tổn thương nhau bằng những lời lẽ và hành động mang tính công kích để bảo vệ bản thân và tư tưởng của mình.
Nói cách khác, cả hai đang ở trong một nồi nước đang sôi ùng ục, nơi mà chúng ta không thể nhìn thấy một mặt nước phẳng lặng có thể soi bóng của chính mình, không thể nhìn thấy sự thật của vấn đề, của câu chuyện về mối quan hệ của cả hai.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà bạn chấp nhận để cho người ấy, và mối quan hệ ấy kéo bạn xuống vực thẳm. Họ có thể không phải người xấu, nhưng những việc họ làm gây tổn hại đến cuộc sống của bạn. Vì vậy chúng ta cần thay đổi tính chất mối quan hệ này.
Một vấn đề mà chúng ta phải khẳng định trước, đó là việc thay đổi tính chất của mối quan hệ có thể thất bại, và mối quan hệ bị chấm dứt. Tuy nhiên, đó là một kết cục khả quan hơn nếu bạn cố gắng duy trì nó đến thời điểm cả hai không thể chịu đựng nổi và rời xa nhau. Dù bạn không thay đổi nó thì nó cũng sẽ chấm dứt.
Đầu tiên, chấm dứt việc tranh luận. Khi bản thân bạn ngừng lại hoàn toàn hành vi công kích đối phương, ngừng tiếp nhận hay truyền tải những suy nghĩ, tư tưởng trong mối quan hệ cho tới khi cả hai cảm thấy ổn định. Đó không phải sự im lặng, bạn vẫn có thể quan tâm, chăm sóc người ấy, tuy nhiên nó chỉ nên dừng ở việc hành động. Hãy để yên cho họ tự xử lý các vấn đề của chính mình, đừng cố gắng can dự vào cuộc sống cá nhân của người ấy cho dù bạn cảm thấy khó chịu vì nó luôn hiện hữu trước mắt và cảm thấy cần đưa ra sự giúp đỡ. Làm ơn để yên đó nếu họ không yêu cầu sự giúp đỡ và tự lo cho cuộc sống của chính mình.
Sau đó, tìm lại chính mình. Trao đổi với những mối quan hệ lành mạnh đáng tin cậy và yêu cầu những chia sẻ của họ về các giá trị, phẩm chất tốt đẹp của cá nhân bạn. Đây là bước hồi phục dần về trạng thái ban đầu sức khỏe tinh thần của bạn, tránh trường hợp luôn phải vật lộn với câu hỏi bản thân là ai, mình phải làm gì, luôn phải đau đầu với việc nhân thức bản thân. Từ đó, thực hành các hành động mà bạn vẫn thường làm để tái khẳng định giá trị và phẩm chất của bạn. Lặp đi lặp lại rất rất và rất nhiều lần mỗi ngày về các giá trị và phẩm chất của bạn. Đây là một sự truy tìm bản thân dựa trên mối quan hệ biện chứng giữa giá trị và tư tưởng. Tạo ra giá trị để tái khẳng định tư tưởng.
Tiếp theo, tăng cường sức khỏe thể chất. Không thể phủ nhận mối quan hệ giữa sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần. Vì vậy, việc tăng cường các dưỡng chất cho cơ thể là điều quan trọng nên làm. Những buổi tập thể dục, gym sẽ cải thiện đáng kể sức khỏe thể chất đã kiệt quệ trong suốt thời gian qua. Cũng đừng quên làm những điều mình thích như nghe nhạc, đi xem phim, tăng cường giao lưu gặp gỡ bạn bè, tuy nhiên đừng bàn về mối quan hệ đang gặp rắc rối của bạn cho họ. Làm bất cứ điều gì mà bạn thích miễn nó đem lại năng lượng tích cực, dù rất nhỏ, mặc dù bản thân bạn lười, rất lười để thực hiện và chỉ chăm chăm muốn giải quyết vấn đề trong mối quan hệ kia.
Cuối cùng, chờ đợi. Khi đã hồi phục hoàn toàn bản thân, hãy thể hiện sự quan tâm và ở sẵn sàng khi người ấy cần ở bên bạn. Đừng quan tâm họ đi chơi hay thiếu quan tâm bạn, họ đang tổn thương và họ chỉ muốn quan tâm họ lúc này, họ cũng giống như bạn, chỉ muốn chóng bình phục. Hãy tôn trọng và khuyến khích, vui vẻ khi họ làm những điều mà họ cảm thấy vui, mặc dù nó làm bạn cảm thấy phần nào tổn thương. Cứ chờ đợi, khi mặt nước tĩnh lặng, bạn và họ sẽ nhìn thấy chính bản thân mình. Mọi việc sẽ dần được giải quyết.
Và, nếu may mắn, mối quan hệ sẽ đạt được trạng thái cân bằng và tính chất lành mạnh ban đầu.
5. Mối quan hệ bị chấm dứt
Không may nếu như sự cố gắng của bạn không đạt được kết quả mong đợi. Vì nhiều lý do khác nhau, mối quan hệ của bạn và người ấy đi đến ngõ cụt và bị chấm dứt.
Việc cần làm lúc này là đừng làm gì cả, đừng suy nghĩ gì về nó cả. Thật khó khi mất đi một mối quan hệ quan trọng, tuy nhiên việc cố gắng giằng xé mối quan hệ chỉ càng khiến mọi thứ tồi tệ hơn. Nếu nó đủ quan trọng, họ sẽ tìm cách thiết lập lại mối quan hệ. Nếu nó không thực sự quan trọng, thì tốt thôi, vì đằng nào họ cũng sẽ từ bỏ bạn, đó chỉ là vấn đề sớm hay muộn. Chúng ta luôn gặp vô vàn vấn đề và sự khó khăn trong cuộc sống, nếu bạn không đủ quan trọng, việc từ bỏ là lẽ đương nhiên, và có lẽ nó diễn ra càng sớm càng tốt cho cả hai.
Tiếp tục thực hiện các thói quen tích cực mà bạn vẫn thường làm đóng vai trò quan trọng. Bạn có thể hủy hoại đời sống tốt đẹp của chính bạn sau chia tay như nào cũng được, nhưng nên biết đâu là điểm dừng, đâu là sự thỏa mãn cảm xúc trong giới hạn của sự phục hồi. Sinh mệnh chỉ có một lần, sẽ không có sự hồi phục nào khi nó mất đi. Nghe nhạc buồn cũng được, nhậu nhẹt cũng được, hút thuốc cũng được, lang thang ngoài đường vài đêm cũng được, khóc lóc cũng được, miễn là bạn còn có khả năng phục hồi.
Câu chuyện bị ảnh hưởng nghiêm trọng không kém chính là việc học và công việc. Hãy chuẩn bị một cách tốt nhất bằng sự tạm hoãn nếu nhận thấy bản thân không đủ khả năng tiếp tục trong hiện tại. Đảm bảo một câu chuyện rằng bạn có thể tiếp tục trở lại ngay khi có thể thay vì mất đi mãi mãi.
Nhận xét
Đăng nhận xét