KHỦNG HOẢNG NHÂN DẠNG
"Tôi là ai?"
Đây có lẽ là câu hỏi mà mình thường xuyên hỏi bản thân nhất.Sự khủng hoảng nhân dạng. Bản thân khi ấy không nhận thức được nhân dạng, hay nói cụ thể hơn là không nhận thức được các chuẩn mực, giá trị, phẩm chất, hình thức, tư tưởng, phong thái của chính bản thân mình. Sự xao động trong chính tâm hồn về việc bản thân là ai và muốn trở thành ai khiến cho các hành vi trở nên rối loạn, không thống nhất, khó định hình.
Tại sao?
Khủng hoảng nhân dạng bắt nguồn từ việc sức mạnh nội tại của tâm thức có sự yếu kém nhất định, các giá trị, phẩm chất,....hiện thời không đủ thỏa mãn sự phát triển của cá nhân, khiến họ đòi hỏi tiếp thu những điều mới mẻ hơn, thay đổi nội dung bên trong bản thân mình, mong muốn một bản thân mới hơn và có giá trị hơn. Tuy nhiên, cánh cổng nhận thức được mở ra khi chẳng có một hướng đến nào cả. Chúng ta đi lang thang, lòng vòng giữa cánh đồng của các giá trị, chúng ta phân vân về việc lựa chọn các giá trị ấy để bồi dưỡng cho nhân dạng của mình. Những giá trị được dung nạp không có sự phù hợp, hay quá nhiều giá trị mà nhân dạng gốc không đủ khả năng dung nạp trong thời gian ngắn khiến sự xung đột xảy ra trong tâm thức chúng ta. Mức độ xung đột tùy thuộc vào mức độ mâu thuẫn giữa các giá trị và hàm lượng các giá trị có khả năng mâu thuẫn được dung nạp vào.Nên thay đổi bản thân khi nào?
Nếu bản thân không biết bản thân là ai, đúng hơn là không nhận thức được các giá trị, phẩm chất,...của bản thân, không định hình được đâu là các giá trị cần được giữ lại làm nền móng và đâu là các giá trị phải được thay thế, đâu là các giá trị cần được bổ sung thì khủng hoảng nhân dạng rất dễ xảy ra.Do đó, chỉ nên mở cánh cổng của nhận thức một cách thận trọng, biết đâu là điểm dừng để có thể dành đủ thời gian dung hòa cho tâm thức. Và phải nhận thức đâu là các giá trị thuộc hình mẫu mà bản thân muốn hướng tới. Thật sai lầm khi tiếp nhận các giá trị của chủ nghĩa tự do cá nhân một cách quá trớn khi hình mẫu bản thân đang hướng tới là một công chức mẫu mực luôn đề cao giá trị tập thể.
Để trả lời cho câu hỏi nên thay đổi khi nào, thì có lẽ là mọi lúc đều có thể. Chúng ta trưởng thành lên hằng ngày, tiếp thu tri thức hằng ngày, nhưng tâm thức (thường) sẽ đủ khả năng để điều tiết sự trưởng thành này, cho đến khi ta khao khát sự thay đổi vì một mục tiêu quan trọng nào đó, tâm thức chúng ta bắt đầu mất kiểm soát trong điều tiết việc dung nạp các giá trị nhân cách, nếu không thể giữ vững nhân cách thì việc đánh mất bản thân là điều chắc chắn sẽ xảy ra.
Tại sao phải thay đổi bản thân?
Chúng ta luôn được dạy phải sống là chính mình, nhưng đồng thời cũng luôn được khuyến khích việc thay đổi bản thân. Vậy hai điều này có mâu thuẫn với nhau hay không?Thật ra là có, nếu chúng ta thay đổi không đúng cách, nhưng thay đổi mới có thể triệt hạ và nhấn chìm các giá trị cao đẹp và những khả năng đi kèm của nó, kéo theo đó là các mối quan hệ xã hội tương ứng, các thành quả lao động xã hội tương ứng.
Khi tham gia vào những công việc khác nhau, những môi trường khác nhau, những thời điểm và bối cảnh khác nhau thì bản thân mỗi người phải tự có sự thay đổi hành vi tương ứng cho đúng chuẩn mực nếu không muốn bị các thiết chế xã hội trừng phạt bằng sức mạnh của nó. Sự tôn trọng các thiết chế xã hội cũng là một điều nên làm, nó cho thấy chúng ta tôn trọng lợi ích của tập thể và cũng là để bảo vệ chính mình.
Tuy nhiên, có nhiều trường hợp sự thay đổi đòi hỏi bản thân chúng ta phải dẹp cái tôi cá nhân, cái bao hàm các giá trị cũ qua một bên để sẵn sàng tiếp nhận các giá trị mới, phục vụ cho sự cải tiến bản thân cũng như hoàn thành các mục tiêu chung. Ở đây không cho rằng điều nào đúng điều nào sai, nhưng sự việc không định hình và theo đuổi các giá trị mong muốn có thể khiến bản thân một người chao đảo trong mớ hỗn loạn các loại hình giá trị. Nếu muốn nắm giữ nhiều hơn các giá trị, bản thân một người phải có sự tinh tế nhất định trong việc áp dụng các giá trị vào bối cảnh và tình thế phù hợp. Nếu chỉ vì một mục tiêu ngắn hạn, mang lại các giá trị thấp mà phải đánh đổi các giá trị và khả năng lớn hơn, với những mục tiêu dài hơn, bền vững hơn thì hẳn đó là điều không nên làm.
Thay đổi bản thân trong ngắn hạn, hay sự nhún nhường và hạ cái tôi của bản thân xuống không phải là điều gì mang tính tiêu cực hay nhục nhã, đó là một biểu hiện của sự trưởng thành. Đó còn là khả năng kiểm soát cái tôi để phục vụ cho cuộc sống thực tại. Đôi khi cũng nên nhớ một điều, dù là cái tôi hay cái ta hay cái gì đi chăng nữa thì đều sinh ra để phục vụ lợi ích của chúng ta, nếu nó không thể đảm bảo cho lợi ích thì tốt nhất nên dẹp nó qua một bên.
Làm sao để thay đổi bản thân?
Thường một người sẽ thay đổi bản thân khi họ mong muốn đạt được một mục tiêu nào đó, tuy nhiên cách này thường không đem lại kết quả tốt. Một cách nhanh nhất là lãng mạn hóa một mối quan hệ mà nơi đó bạn tìm thấy các giá trị mà mình mong muốn tiếp nhận. Việc đầu tư và lãng mạn hóa mối quan hệ kích thích khả năng, mong muốn chiếm hữu và đồng hóa các giá trị của cả hai. Tuy nhiên khi bản thân ở vị trí quyền lực thấp hơn trong mối quan hệ thì càng dễ tiếp nhận các giá trị từ đối phương do xu hướng phục tùng. Tuy nhiên, việc đánh đổi quyền lực trong một mối quan hệ cũng cho thấy khả năng rất cao mối quan hệ sẽ tan vỡ nếu muốn dành lại quyền lực do sự kháng cự từ đối phương. Vì vậy nên xem xét các giá trị nhận được và mối quan hệ sở hữu, cái nào thực sự đáng giá hơn.
Việc thay đổi bản thân có thể diễn ra trong một thời gian ngắn hoặc lâu dài, với trải nghiệm đau đớn về tinh thần hoặc vui thú. Thời gian và trải nghiệm từ việc thay đổi bản thân phụ thuộc vào mức độ lãng mạn hóa vấn đề, tức là sự thích thú đối với các giá trị mới. Một giá trị mới khơi gợi được sự thích thú sẽ dễ dàng tiếp nhận hơn là sự ép buộc. Các phản ứng đối kháng xảy ra khi các giá trị mới được dung nạp vào mà không có được sự mong muốn ban đầu từ cá nhân.
Sau khi thay đổi thì sẽ như nào?
Sau khi các giá trị của bản được thay đổi như bổ sung, lược bớt, thay thế thì bản thân bạn chính thức đã thay đổi. Việc thay đổi này sẽ dẫn đến kết quả là bạn sẽ bị lung lạc trong các mối quan hệ không còn phù hợp với các giá trị bạn đang mang, và mở ra cơ hội tiếp cận các mối quan hệ có tính tương đồng về giá trị mới mà bạn vừa cập nhật. Các mối quan hệ mới ra sao còn phụ thuộc vào việc bạn bổ sung giá trị gì vào bản thân mình, tốt hay xấu, đó là do bản thân bạn quyết định.
Cẩn trọng các điểm đen
Các điểm đen trong việc thay đổi bản thân có thể khiến một người rơi vào khủng hoảng nhân dạng. Khi một người dung nạp quá nhiều các giá trị, hoặc chạy theo các giá trị mới một cách mãnh liệt nhưng không đạt được kết quả tốt. Hậu quả là các giá trị cũ không được định hình, hoặc xung đột với các giá trị mới. Nhân dạng của một người khi đó biến mất hoặc xáo trộn. Các câu hỏi như "tôi là ai, tôi phải làm gì?" bắt đầu hiện lên và ám ảnh người đó một cách sâu sắc trong tiềm thức.
Khủng hoảng nhân dạng làm ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe tinh thần của một người. Khiến người đó mất dần nhận sức về các giá trị, khả năng, sức mạnh nội tại của bản thân mình. Tạo ra các điểm lỗi, và đôi khi là khủng hoảng trong các mối quan hệ thân cận. Nói cách khác, căn bệnh sẽ hủy hoại các mối quan hệ xã hội thông qua việc suy yếu sức khỏe tinh thần, như cái cách và AIDS làm với con người.
Nhận xét
Đăng nhận xét