VÀ RỒI, AI CŨNG SẼ KHÁC

"Và rồi, ai cũng sẽ khác"

Con người mà, đâu ai là chính mình của ngày hôm qua. Chúng ta lớn lên, chúng ta thay đổi không chỉ là tuổi tác. Cơ thể chúng ta lớn dần lên, và tâm trí cũng vậy. Nhân dạng của chúng ta tiếp tục thay đổi từ ngày này sang ngày khác, mặc dù có đôi lúc nó đi chệch hướng, nhưng rồi nó cũng luôn cố gắng tìm đến con đường đầy ánh sáng để bước tiếp.

Chúng ta đến với nhau vì hợp nhau, đó là điều chắc chắn.
Chúng ta rời xa nhau cũng vì chúng ta không hợp nhau, đó cũng là điều chắc chắn.

Hai dòng này có mâu thuẫn với nhau hay không, có phải một trong hai câu phải là sai, câu kia mới được đúng như toán học? Rất tiếc phải nói là không!

Chúng ta tới với nhau bằng những nhân dạng mà chúng ta muốn cho đối phương thấy, chúng ta muốn nó phù hợp với đối phương, để họ có thể dễ tiếp nhận và cả hai trở thành một đôi thật ăn ý. Vậy còn những góc khuất còn lại? Rõ ràng ai cũng luôn có những góc khuất của riêng mình. Chúng ta có những đôi vớ 3 ngày chưa giặt, có một phòng ốc lộn xộn, có một tính cách ẩm ương và lôi thôi, hoặc cũng có thể rất nóng tính. Nhưng chúng ta yêu nhau, điều quan trọng là hai người yêu nhau. Không may thay, tình cảm của chúng ta lại không đủ lớn để chấp nhận những sự thật còn lại ấy, chưa đủ lớn để chúng ta có thể nói với nhau rằng "không sao, con người ai cũng có những điểm xấu mà, em chờ anh thay đổi được, cố gắng lên nhé". Thật khó, đúng không?

Về cơ bản, chúng ta không hợp nhau hoàn toàn, có lẽ đó là điều chính xác nhất cho mọi mối quan hệ.
Và sự đòi hỏi việc hợp nhau hoàn toàn khi bản thân luôn cố níu giữ cái tôi của mình, đó là một điều thật sự không tốt cho một mối quan hệ như tình yêu. Bạn không phải là bạn hàng, không phải là bạn chung lớp đại học, cũng không phải là bạn chung chuyến xe bus chiều để chỉ tán gẫu với nhau vài câu rồi thôi. Chúng ta là những người gắn kết, đúng vậy, là gắn kết. Chúng ta làm sao có thể gắn kết khi cả hai đều không chấp nhận sự ràng buộc thiết yếu? khi không từ bỏ sự toàn vẹn cho cái tôi cá nhân của mình mà đẩy ra mọi cố gắng kết nối của đối phương?

Vấn đề ở chỗ, chúng ta đã quá ích kỷ, quá sợ hãi sự kết nối và đề cao thái quá sự tự do cá nhân. Và không đủ đức hi sinh, không từ bỏ những lợi ích trước mắt, nhỏ nhặt để đạt được những lớn ích còn lớn lao hơn. Hi sinh, không có nghĩa là mất đi, mà đó là khoản tiền nhỏ mất đi để đạt được một lợi ích ý nghĩa hơn. Bản thân một người sẽ chẳng là ai, và sự tồn tại của người ấy cũng chẳng có ý nghĩa gì với cuộc sống nếu họ không biết đến hi sinh. Nỗi sợ và lòng tham đã dẫn dắt hành động của chúng ta quá nhiều. Chúng ta sợ việc cho đi, và tham lam hết thảy những điều tầm thường. Hi sinh cũng không phải là hạ thấp bản thân mình, chỉ những người thực sự mạnh mẽ và cao quý về tâm hồn mới có thể hi sinh vì người khác.

Có thể khi còn nhỏ chúng ta chưa học được cách cho đi, nhưng nếu tới tuổi trưởng thành rồi mà bản thân vẫn chứ khư khư cho riêng mình thì thật sự "rất trẻ con". Trẻ con không sai, nhưng trẻ con trong thân xác người lớn thật sự rất sai. Đôi lúc, chúng ta vẫn có thể cư xử như trẻ con, vì vốn dĩ ở độ tuổi nào thì con người vẫn cứ đang lớn lên. Nhưng chỉ một chút thôi, một chút thôi rồi hãy trở lại chính mình. Như vậy mới thực sự xứng đáng việc đạt được ước mơ "làm người lớn" của chúng ta khi tấm bé.

Khi không thể hi sinh vì nhau như đã từng, chúng ta bắt đầu kết tội nhau, chỉ trích, phán xét và than vãn. Sự việc cứ thế tiếp diễn, chưa thể bao dung vì nhau điều này thì điều khác lại xảy đến. Mối quan hệ cứ thể bị chất chứa đầy sự tiêu cực, tình cảm đầy mệt mỏi chán chường và chúng ta chỉ cố gắng tìm cách thoát ra khỏi mối quan hệ càng sớm càng tốt. Để rồi, chúng ta nói với nhau một câu ai oán rằng "người ta khác rồi". Vậy bạn có từng nghĩ, bản thân mình cũng đã rất khác? có từng?


Có thể nói, chuyện chúng ta hay một ai đó khác đi, là lẽ đương nhiên, một quy luật mà không ai có thể chống lại. Nhưng bản thân chúng ta thay đổi thành ai, thành điều gì mới là quan trọng. Và cũng không phải vì khác đi mà chúng ta cố gắng làm tổn thương nhau bằng những lời lẽ công kích, bằng những hành động vô tâm, hờ hững. Nếu không muốn cãi nhau thì đừng tranh luân, lỡ tranh luận rồi thì cố gắng giải quyết cho xong câu chuyện và đừng nhắc lại, cũng đừng tạo điều kiện cho người khác nhắc lại. Văn minh hơn một chút, tử tế hơn một chút. Có lẽ chúng ta thiệt thòi, nhưng nó đáng, nếu xứng đáng thì cứ làm thôi.

Tiền bạc rồi cũng hết, tình cảm rồi cũng cạn, nhan sắc rồi cũng tàn phai, chỉ có những kí ức tồn tại trong nhau là kéo dãi mãi mãi. Sống sao để khi nhớ về còn có thể mỉm cười, còn có thể tự nhủ với bản thân "mình đã không hối tiếc".

Khian.









Nhận xét

Bài đăng phổ biến